Gia đình hiện đại: Càng tiện nghi, càng kém bền chặt?

VHO- Hội thảo “Xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” được Thành ủy TP.HCM tổ chức ngày 17.12, đã một lần nữa khẳng định giá trị của gia đình trong việc xây dựng nền tảng văn hóa đạo đức, lối sống con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Gia đình hiện đại: Càng tiện nghi, càng kém bền chặt? - Anh 1

 Mô hình các thế hệ thích sống cùng mái nhà ngày một ít đi

Nhiều đại biểu dự Hội thảo cũng nhận định, do một số yếu tố tác động, các gia đình hiện đại đang ngày càng biến đổi, giá trị văn hóa ngày càng phai nhạt...

Gia đình truyền thống đã biến đổi nhiều

PGS.TS Đỗ Ngọc Anh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM cho hay, xu hướng phát triển của gia đình Việt Nam hiện nay chính là sự biến đổi về cấu trúc, chức năng, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức diễn ra ngày càng sâu sắc. Theo đó, bên cạnh gia đình hạt nhân truyền thống thì đã hình thành nhiều mô hình khác, đó là mô hình gia đình khuyết thiếu ngày một gia tăng, mô hình gia đình liên tộc người, xuyên quốc gia phát triển trở thành phổ biến, mô hình gia đình đồng tính vượt qua các rào cản kỳ thị, văn hóa được sự ủng hộ của cộng đồng xã hội và đang phát triển loại hình gia đình không đăng ký hết hôn… Bên cạnh sự biến đổi về cấu trúc, chức năng gia đình cũng khác xưa. Trong đó, các chức năng giáo dục, xã hội hóa và chức năng tâm lý, tình cảm sẽ phát triển theo hướng tôn trọng, đề cao giá trị cá nhân, dân chủ để phát huy, xây dựng tính sáng tạo.

Theo ông Trần Thanh Vương, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VHTT TP.HCM, gia đình càng tiện nghi hơn, đầy đủ hơn dễ dẫn đến việc các mối quan hệ ứng xử trong gia đình càng trở nên kém bền chặt. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, gia đình không còn là một tổ chức bền vững mang tính khép kín. Để có được các nguồn thu nhập nuôi sống gia đình, do hoàn cảnh nên nhiều cha, mẹ phải rời xa tổ ấm của mình để tìm việc làm, họ không những không có điều kiện gần gũi chăm sóc, giáo dục con nhỏ mà bản thân cũng gặp rất nhiều nguy cơ và rủi ro khi sống xa gia đình. “Trong điều kiện đó, cùng với sự phai nhạt tình cảm gia đình, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên thất thường, lỏng lẻo thì các thiết chế xã hội từng bước thay thế vai trò của gia đình, trong đó đối tượng là trẻ em rất dễ bị tổn thương. Đây là sự chuyển đổi tất yếu vai trò của gia đình trong sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em hiện nay. Từ đó, chúng ta có thể nhận thấy và dự báo trước những hậu quả không mong đợi và sẽ để lại nhiều khiếm khuyết trong nhân cách của thế hệ tương lai”, ông Vương tâm tư.

Cần sự tích hợp giá trị truyền thống và hiện đại

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cho rằng, để tránh tình trạng dân số “chưa giàu đã già”, để khuyến khích các gia đình sinh đẻ, cần bỏ hình thức xử lý kỷ luật hành chính về sinh con thứ 3. “Thời gian qua cho thấy nhiều người rất ngại sinh, vì họ thấy nuôi con cái tốn kém quá, họ không đảm đương nổi. Tôi thấy những quy định về hạn chế sinh đẻ hiện nay không còn phù hợp. Bên cạnh đó cần có chính sách chăm lo cho trẻ em và người lớn tuổi để giảm bớt gánh nặng cho gia đình; tăng thêm những thiết chế văn hóa dành cho gia đình, phải có những loại hình giúp các gia đình nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong thi đua, khen thưởng cần tăng cường tuyên dương các gương gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa, lồng ghép nhiều hơn nữa việc xây dựng gia đình văn hóa và gia đình hạnh phúc”, bà Thảo đề nghị.

Ông Trần Thanh Vương cho biết, một trong những khó khăn của công tác gia đình hiện nay trên địa bàn TP.HCM là vấn đề kinh phí thực hiện và nhân sự phục vụ công tác gia đình. Tính trung bình, mỗi quận, huyện có 1, 2 người phụ trách, mỗi phường, xã không đến 1, 2 nhân sự. Kinh phí mỗi quận, huyện hằng năm trung bình 50-60 triệu đồng; mỗi phường xã chỉ từ 15-20 triệu đồng. Việc quan tâm đầu tư về nhân sự và kinh phí cho công tác gia đình đang gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có một định mức nhất định để thực hiện tốt vai trò công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, các chính sách về tỷ lệ sinh con, độ tuổi kết hôn, vấn đề ly hôn và hậu ly hôn, vấn đề giáo dục kiến thức gia đình, kỹ năng sống, các dịch vụ hỗ trợ phục vụ gia đình… cần được TP và các ngành quan tâm nhiều hơn nữa.

PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng, nếu nhìn nhận gia đình là tế bào của đời sống xã hội thì văn hóa gia đình chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng đối với đời sống văn hóa xã hội. Xây dựng đời sống văn hóa gia đình vì vậy là một yêu cầu thực tế vừa mang tính điều kiện trực tiếp xây dựng hạnh phúc và phát triển bền vững cho bản thân từng gia đình, đồng thời vừa tác động vào quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, qua đó góp phần xây dựng nền tảng văn hóa quốc gia, dân tộc. “Không phải ngẫu nhiên mà từ nhận thức lý luận cho đến trong thực tế, gia đình vẫn được xem là một trong những vấn đề có ý nghĩa lớn trên nhiều mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, dù vẫn luôn mang tính thiết thân nhưng đây vẫn là vấn đề thường xuyên còn tồn tại nhiều phức tạp. Tính phức tạp của vấn đề chính là do bản chất gia đình với tư cách vốn là một thực thể “tế bào sống” của xã hội, tất yếu sẽ là nơi hội tụ các quy luật khách quan xuất phát từ nhiều phía như văn hóa, kinh tế, chính trị… kết hợp cùng với những yếu tố nội tại của bản thân từng gia đình cụ thể để tạo ra sự phát triển theo một xu thế nào đó”, ông Thắng phân tích.

Các chuyên gia cho rằng, cần nhìn nhận đúng hiện trạng cấu trúc gia đình hiện nay để có giải pháp tác động cho phù hợp, trong đó chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền gia đình hạt nhân truyền thống, có giải pháp đẩy lùi bạo lực gia đình gắn với gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa; xây dựng thêm kênh tuyên truyền về gia đình, giáo dục nhân cách, lối sống, tuyên truyền phong tục tập quán, những giá trị cổ truyền của gia đình, của dân tộc; sáng tác nhiều hơn nữa các tác phẩm văn học - nghệ thuật gắn với chủ đề gia đình; nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc. 

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc